Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng: Kinh doanh bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Cập nhật: 05/09/2018 Lượt xem: 2.077

Hưởng ứng lời kêu gọi thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Vũng Áng, tháng 8/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mạnh dạn đầu tư nhà máy nhiệt điện Vũng Áng1 tại xã Kỳ Lợi (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của Hà Tĩnh và khu vực miền Trung.

Hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội  

Sau 6 năm triển khai xây dựng, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chính thức đi vào vận hành thương mại tổ máy số 1 vào 31/12/2014, tổ máy số 2 vào 12/5/2015, gồm 2 tổ máy có công suất 1.200 MW. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của cả nước và khu vực miền Trung.  

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng  tại xã Kỳ Lợi – Thị xã Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Trọng Thạch - Phó giám đốc Phó giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển kinh tế địa phương, giúp cho bức tranh ngân sách của Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc. Năm 2017, nhà máy đóng góp cho lưới điện quốc gia 4.385 triệu kWh, doanh thu đạt 7.656,25 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước: 378,79 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện sản xuất đạt 3,155 tỷ kWh, vượt 108 % so với cùng kỳ năm 2017, doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng; đóng góp ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng.

Sự ra đời của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 là hướng đi đúng đắn của Tập đoàn PVN cũng như sự kêu gọi đầu tư từ tỉnh Hà Tĩnh, có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Từ khi đi vào vận hành đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động với thu nhập ổn định, công nhân được hưởng nhiều phúc lợi, ưu đãi từ Công ty.   

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được lãnh đạo công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng. Hằng năm, công ty tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ với các gia đình khó khăn tại các xã, phường lân cận; tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng trường mầm non tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh; hỗ trợ tối đa các hộ dân bị thiệt hại nặng do lũ lụt gây ra và đóng góp 1 tỷ đồng quỹ an sinh xã hội của tập đoàn Dầu khí Việt Nam...


Lãnh đạo Tổng Công ty ĐLDK Việt Nam và Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh trao quà ủng hộ người dân thôn Yên Thịnh - xã Kỳ Tiến - huyện Kỳ Anh bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra

Nói về chất lượng tro bay xỉ đáy lò của nhà máy, ông Thạch cho biết: Sản phẩm tro bay của nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được Viện công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam xác nhận không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại QCVN 07:2009/BTNMT. Đặc biệt, tro bay còn được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá và cấp giấy chứng chất lượng phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 16:2014/BXD để làm phụ gia hoạt tính tro bay dành cho bê tông, vữa xây và xi măng, vật liệu xây dựng, gạch không nung, đầm lăn cho các công trình thủy điện, giao thông nông thôn... 

Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp miễn phí hơn 400.000 tấn cho các DN, địa phương làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng giao thông đô thị trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà... cùng Hà Tĩnh giải quyết bài toàn khó cho nhiều địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại.

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

“Hiện đại - hiệu quả - an toàn - xanh sạch đẹp” đó là cảm nhận của các đoàn khách khi đến thăm Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Nằm độc lập và cách xa khu dân cư, nơi được coi là vùng đất “chảo lửa túi mưa”, thế nhưng nhà máy được bao bọc bởi hệ thống cây xanh tạo nên một môi trường “xanh,sạch, đẹp” trong khuôn viên. Để có một không gian xanh tại nhà máy như hiện nay, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đã xác định chiến lược kinh doanh phải bảo đảm tính bền vững, sản xuất phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Thạch, Nhiệt điện Vũng Áng 1 sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp công nghệ của G7, than phục vụ nhà máy là than nội địa, với lượng tiêu thụ 2,9 triệu tấn/năm. Việc áp dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp, tiên tiến và hệ thống lọc bụi tĩnh điện đã được khẳng định của công ty đối với công tác bảo vệ môi trường.


VHV nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng thuộc công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh vận hành tại phòng điều khiển trung tâm

Các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất của nhà máy như: nước làm mát bình ngưng, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt… đều thực hiện đúng các quy trình, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ TN&MT. Nước làm mát được bơm lên tháp hấp thụ và được phun từ trên xuống, khói thải đi từ dưới lên hấp thụ theo phương pháp ngược dòng. Nước từ tháp hấp thụ được trộn với nước biển và được sục khí oxy, kiểm soát thông số pH, nhiệt độ, nồng độ O2 hòa tan (DO) và được giám sát liên tục bởi Hệ thống quan trắc tự động, truyền tín hiệu đo liên tục 10 thông số nước thải về Sở TNMT Hà Tỉnh và Bộ TNMT để kiểm tra trước khi hòa chung với nước làm mát thải ra biển.

Đối với công tác tự kiểm tra, kiểm soát Công ty luôn bố trí các công nhân vận hành kiểm soát tại các điểm quan trắc để theo dõi, xử lý, ghi chép thông số pH, nhiệt độ trước khi hòa chung với hệ thống làm mát trước khi xả ra môi trường.  

“Về mặt xử lý bụi và khí thải, Nhà máy trang bị đầy đủ các hệ thống xử lý gồm hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống lọc bụi túi, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống khử NOx với hiệu suất đạt 99,98%, cùng với các hệ thống quan trắc tự động giám sát chất lượng khí thải, đạt tiêu chuẩn châu Âu” Ông Thạch thông tin.

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh sự nổ lực không ngừng của tập thể cán bộ công nhân viên của công ty Dầu khí Điện lực Hà Tĩnh trở thành đơn vị đi đầu trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đang gặp khó khăn do sự bồi lắng tại cảng nhập than của nhà máy kéo dài hơn 2 năm nay.

Để cung cấp cho lưới điện quốc gia 1 năm 7,2 tỷ KWh, mỗi ngày Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, phải đốt hết từ 8.000 tấn đến 10.000 tấn than. Cảng nhập than bị bồi lắng từ 2,4m đến 3m so với thiết kế ban đầu, nên chỉ đón được tàu 2 vạn tấn trở xuống cập cảng thay vì 3 vạn tấn như trước đây. Để chủ động về nguồn nguyên liệu, Nhà máy đã xây dựng kho dự phòng chứa than đủ cung cấp cho nhà máy khi có sự cố. Tuy nhiên, từ khi Cảng bị bồi lắng kéo dài thì kho dự trữ than dần bị cạn kiệt nguyên liệu, đe dọa đến hoạt động của nhà máy và ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trước nguy cơ không đủ nguyên liệu để vận hành cho nhà máy, gần 2 năm nay Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đã nộp hồ sơ đề nghị  cấp giấy phép nhận chìm ở biển đến Bộ TNMT để nạo vét luồng lạch nhưng đến nay còn gặp vướng mắc về hành lang pháp lý. Trong lúc chờ đợi giấy phép nạo vét cảng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 luôn trong tâm thế lo sợ nguy cơ hết nguồn nguyên liệu.

“Chúng tôi rất mong các bộ ngành quan tâm đến vấn đề nạo vét luồng lạch tại cảng nhập than của nhà máy để phục vụ ổn định cho việc vận hành nguyên liệu than, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Thạch chia sẻ.

Theo Nguyễn Phượng – Nhadautu.vn